Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 13/04/2015, 08:19 pm |

Tìm sự an tịnh


Tintuc.OHO.vn   - Chúng ta đến chùa để tìm sự an tịnh, đó là nhu cầu chính của người đi chùa. Phần nhiều, chúng ta đi chùa vì mình đang gặp khổ nạn nên muốn tìm một nơi yên tịnh nào đó để ‘lánh nạn’.





Cái tâm thức của chúng ta đã quen việc thổi phồng những kinh nghiệm khổ đau, phiền não đến một cấp độ quá đáng khiến mình trở nên hoảng hốt, sợ hãi. Do vậy, mà căn bệnh thêm nặng. Bệnh, khổ, bất an, va chạm, v.v… cũng vậy! Nói chung, tâm mình hay ‘thêm mắm, dặm muối’ vào những kinh nghiệm tiêu cực, xấu xa khiến cho cái kết quả trông thật là xấu tệ! Tất nhiên, không ai muốn đi tìm sự bất an, va chạm bao giờ! Nhưng chính việc đi chùa giúp mình cách tu để cái bất an, va chạm không làm mình khổ đau nhiều. Nếu mình cứ tiếp tục trốn chạy và chỉ đi tìm những nơi ‘không có’ bất an, va chạm thì suốt đời mình sẽ không tu được gì vì đi chùa là để học cách đối diện với bất an, va chạm hòng tìm ra cách để đối trị chúng.


Như Phật có dạy: ‘Đi tìm cái an ngay trong cái bất an; đi tìm cái hết khổ ngay trong cái khổ!’. Như mình bị đau lưng, hay nhức đầu, chính cái chỗ đau lưng hay nhức đầu đó là nơi làm mình khổ. Muốn hết đau, hết nhức mình phải trị ngay chỗ đã tạo ra cái nhức, cái đau đó. Khi cái đau, cái nhức hết là mình hết khổ. Nên có một câu chuyện ngụ ngôn về một người đi tìm cái chìa khóa bị mất. Anh này quẩn quanh tìm cái chìa khóa mất chung quanh cái đèn đường. Có người hỏi: ‘Anh mất chìa khóa ở đâu?’. Anh bảo: ‘Ở cái xó đằng kia! Chỗ không có ánh sáng đèn đường’. Người kia bảo: ‘Vậy sao anh không đến đó mà kiếm, lại kiếm ở đây?’. Anh bảo: ‘Vì ở đây có ánh sáng của đèn’. Đa số chúng ta là vậy! Thay vì đi tìm cách chữa lành vết đau ngay nơi gây ra đau đớn, ta tìm cách trốn tránh chỗ gây ra đau khổ, hy vọng ‘không thấy mặt, thì không thấy đau’ như anh nọ mất chìa khóa trong xó tối mà đi kiếm ở chỗ có đèn.

Khổ là một sự thực (Khổ đế) dù chúng ta có nhìn nhận hay không! Khổ đau và hạnh phúc như hai mặt của một tờ giấy, mình không thể đòi lấy cái khổ đi và chỉ để cái hạnh phúc lại, vì khi xé bỏ cái mặt khổ đi thì cái mặt hạnh phúc cũng mất luôn.

Có một câu chuyện về một người lặn lội tìm một vị thiền sư danh tiếng để giúp an tâm cho anh ta. Khi đến gặp vị thiền sư, anh ta liền than thở và xin được giúp an tâm. Vị thiền sư liền bảo anh ta đem tâm ra để ngài an cho. Anh ta bối rối không biết làm sao!? Đi chùa để tìm sự bình an. Nhưng thật sự nếu tâm mình chưa an thì có ở ngay nơi ‘Tịnh độ’ cũng bất an như thường! Chính vì vậy mà đi chùa học hỏi là học cách an tâm cho chính mình, để khi đối diện với nghịch cảnh mình vẫn thấy lòng mình an tịnh , không đau khổ . Chứ không phải đi chùa để cầu xin sự linh ứng , sự gia trì , sự phù hộ của Phật , của Bồ tát như chúng ta vẫn thường nghĩ .

Phật dạy ta phải buông bỏ mới được an vui, hạnh phúc . Vậy mà ta lại nghĩ đi chùa để xin Phật cho ta thứ này thứ khác, hay cầu cho ta tai qua nạn khỏi , thoát được ốm đau bệnh tật .... làm sao Phật có thể cho được . Điều đó làm lòng tham của ta thêm tăng trưởng , xin được cái này thì sẽ xin thêm cái khác , xin được 1 lần thì lần sau cứ thế mà xin tiếp - đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc . Mà nếu xin xỏ không được thì lại quay ra kết luận " Phật ko linh ứng " . Lời Phật dạy không chịu làm theo , kinh điển Phật nói thì không bao giờ đọc đến , nhưng lại muốn nhận được sự gia trì . Thế thì khác nào một đứa trẻ hư nhưng luôn muốn được cho quà , nếu cha mẹ chiều theo ý mà cho thì thực chất sẽ làm con thêm hư , như vậy là làm hại con mất rồi. Phật thương chúng sinh còn hơn cha mẹ thương con , nhưng Ngài thương con bằng sự trí huệ , bằng sự giác ngộ , bằng lòng từ bi vô điều kiện ... chứ không phải thương yêu vì cảm tính , dẫn đến vướng mắc , bi lụy và khổ đau như phàm phu chúng ta vẫn định nghĩa về 2 từ " thương yêu " theo phép thế gian .

Phật và Bồ Tát luôn tìm cách cho chúng ta được có cơ hội tiếp xúc với Phật pháp , gặp người nọ người kia khuyên ta học Phật, niệm Phật, nhưng bản thân chúng ta vô minh từ vô thỉ kiếp rồi nên không chịu nhìn nhận ra , ko chịu tin luân hồi là có thật , ko chịu tin nhân quả , ko chịu học Phật... Ngài cứu ta thoát khổ bằng cách chỉ cho chúng ta con đường , nhưng chúng ta không chịu đi , vậy thì lỗi là ở ta , chứ đâu phải Phật không thương mình , hay đâu phải mình không chăm đi chùa lễ Phật nên Phật không cứu.

Đường tu đòi hỏi phải nhiều công phu , kiên trì , nếu nghĩ " mình không may mắn có thiện duyên với Phật pháp" hay nghĩ " mình nghiệp nặng , không học Phật được " thì hãy biết lấy cái cần cù để bù cho cái thông minh , dốt mà chăm học thì dần dần chắc chắn sẽ khá lên , chẳng có ai chăm học mà lại dốt mãi , chỉ sợ đã dốt lại còn lười , nhưng lại cứ thích được đỗ đạt cao , được thành tựu như những người khác.

Hễ khéo biết dụng công thì an lạc liền có mặt, bằng không thì khổ não theo hoài! Tổ Huệ Năng có dạy: ‘Nếu nói về Phật tánh thì không có gì khác biệt giữa một kẻ ngu và một ông thánh. Một niệm giác ngộ thì người đó sẽ thành Phật. Một niệm si mê thì người kia sẽ thành một kẻ ngu’. Một khi ngộ giống như một ngọn đèn chiếu sáng lên trong tâm thức khiến mình thấy rõ đâu là chánh giác, đâu là vô minh. Tu tập không giống như mình uống thuốc người khác chế tạo ra, mà do chính tự mình chế tác thuốc cho mình để trị căn bệnh của mình. Mình bị bệnh gì , mình cần chế thuốc thế nào , hãy tìm câu trả lời trong những lời Phật dạy , trong kinh điển Phật thuyết , và làm theo những hướng dẫn đó , nhất định sẽ thấy được " cửa phật từ bi hóa nhiệm màu " là sự thật , vô cùng vi diệu !

(Nguồn từ  phathoc.net)

« Quay lại

BÌNH LUẬN




© Copyright 2020 Tintuc.OHO.vn, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Tintuc.OHO.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức sự kiện và truyền thông Việt Nam