Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 09/04/2014, 09:19 am |

Tụng Kinh, Trì Chú, Niệm Phật


Tintuc.OHO.vn -Kính lạy Phật! Giáo pháp của Ngài đã giúp con mở rộng trái tim để tiếp nhận tuệ giác, tình thương.  



1. Định Nghĩa

- Tụng kinh: là đọc thành tiếng và có âm điệu hoặc đọc thầm những lời Phật dạy một cách thành kính.

- Trì chú: trì là nắm giữ, nhiếp niệm. Chú là lời bí mật của chư Phật. Trì chú là nhiếp tâm vào những bài thần chú.

- Niệm Phật: Niệm là nhớ nghĩ. Niệm Phật là nhớ nghĩ danh hiệu, hình ảnh và đức hạnh của chư Phật.

 

001_500_02

 

2. Ý nghĩa tụng kinh, trì chú, niệm Phật

a. Ý nghĩa tụng kinh

- Giúp cho chúng ta nhớ những lời Phật dạy để thực hành

- Tụng kinh cho tâm hồn yên tịnh, trí tuệ mở bày.

b. Ý nghĩa trì Chú

- Chú có công năng phi thường, diệt trừ tất cả chướng nạn sâu dày.

- Trì Chú giúp tâm trí được khai thông.

c. Ý nghĩa niệm Phật

- Niệm Phật để phá trừ tạp niệm, thanh tịnh tâm hồn, chuyển hóa nghiệp chướng.

- Niệm Phật để cầu được vãng sanh.

3. Phương pháp tụng kinh, trì chú, niệm Phật

- Tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, mặc áo trang nghiêm, đến trước bàn thờ thắp hương đảnh lễ rồi nhất tâm tụng niệm.

- Tụng kinh: đọc lớn tiếng, rõ ràng từng câu từng chữ, để tâm vào lời kinh tiếng kệ. Có thể tụng chuyên nhất 1 bộ kinh, hoặc tụng hết bộ kinh này rồi mới qua bộ kinh khác.

- Trì chú và niệm Phật: đọc lớn hoặc đọc thầm, phải nhiếp tâm vào câu thần chú hay danh hiệu Phật. Nên trì chuyên nhất vào 1 câu thần chú, niệm chuyên nhất 1 danh hiệu Phật.

- Tùy thời gian thích hợp mà ta tụng niệm theo thời khóa. Hoặc bất cứ ở đâu, lúc nào cũng có thể tụng kinh, trì chú, niệm Phật, cốt yếu tâm phải thanh tịnh, chuyên nhất.

002_500_04

4. Kết luận

Tụng kinh, trì chú, niệm Phật là những phương pháp tu tập giúp cho 3 nghiệp được thanh tịnh. Khi thực hành phải nhiếp tâm, dứt bỏ mọi tạp niệm. Chỉ cần thực hành chuyên nhất một trong 3 phương pháp này, có thể giúp chúng ta giải thoát khổ đau ngay hiện tại.

II. LỜI KHẤN NGUYỆN  

Kính lạy Phật! Giáo pháp của Ngài đã giúp con mở rộng trái tim để tiếp nhận tuệ giác, tình thương. Con nguyện tu tập, nhất tâm tụng niệm, chuyển hoá thân tâm và truyền trao nguồn giáo lý này đến với mọi người, cho hết thảy đều được an vui.

III. CÂU HỎI CHIA SẺ   

1. Tụng Kinh là gì? Ý nghĩa việc tụng kinh?

2. Trì chú là gì? Ý nghĩa việc trì chú?

3. Niệm Phật là gì? Ý nghĩa việc niệm Phật?

4. Cho biết phương pháp tụng kinh, trì chú, niệm Phật?

5. Kể tên một vài kinh, chú, danh hiệu Phật mà chúng ta thường tụng niệm?

IV. SINH HOẠT:

1. Bài hát: NIỆM PHẬT DI ĐÀ

2. Hương vị cuộc sống: HAI BÀ HÀNG XÓM


305_500


Ngày xửa ngày xưa, có hai thiếu phụ ở cạnh nhà nhau.  Một người làm nghề thợ dệt, một người buôn bán lụa là gấm vóc. 

Một hôm, có cụ hành khất đến nhà người bán lụa xin cơm.  Vốn keo kiệt, người chủ nhà liền đuổi ông lão ra khỏi nhà kèm theo những lời quát mắng phũ phàng.  Người hành khất liền mò sang nhà bên cạnh, chị thợ dệt tuy nghèo nhưng đón chào vị khách không mời này bằng một nụ cười và nửa phần ăn trưa của mình.  Ăn uống xong, ông lão cáo từ ra đi với một lời  chúc tốt lành gửi lại: 

“Việc gì làm lúc sớm mai

Sẽ phải làm đến hết ngày mới xong.” 

Sáng hôm sau, chị thợ dệt thức dậy thật sớm để tiếp tục công việc thường ngày.  Khi kéo tấm vải ra khỏi khung cửi để đo và xếp, chị ngạc nhiên khi thấy xấp vải kéo dài dường như bất tận.  Mãi đến lúc hoàng hôn, căn nhà đã chất đầy những cây vải mới, sự kỳ diệu của lời chúc lành mới chấm dứt. 

Câu chuyện được truyền đi rất nhanh.  Chị hàng xóm bán lụa là người nhận được trước tiên.  Chị không ngớt than van, hối tiếc về việc đã để thoát khỏi nhà mình một con người kỳ lạ có thể đem đến cho gia chủ một nguồn lợi to lớn như thế. 

Từ hôm đó, chị ngong ngóng chờ đợi người hành khất tái hiện. 

Ngày ấy rồi cũng đến.  Lần này, ông cụ được tiếp đón niềm nở và trịnh trọng như một vị tiểu vương.  Sau bữa tiệc linh đình, người hành khất cáo từ và cũng gởi lại cho gia đình chủ lời nguyện hôm xưa: 

“Việc gì làm lúc sớm mai

Sẽ phải làm đến hết ngày mới xong.” 

Ðêm hôm ấy, chị bán lụa cứ trằn trọc mãi để tính toán xem phải làm việc trước tiên vào sớm mai cho khỏi “phí của trời” và tiếc nuối về sau.  Mãi  đến lúc gà gáy sáng, chị mới thiu thiu ngủ sau khi mang một túi vàng để sẵn dưới gối, định bụng sẽ đem ra đếm ngay lúc thức giấc. 

Chị bán lụa giật mình thức giấc khi mặt trời đã lên cao, rọi những tia sáng huy hoàng vào khuê phòng của chị.  Sật sừ ngồi dậy, chị quên tuốt hết mọi dự định.  Thấy ngứa ngái ở vành tai, chị bán lụa đưa tay sờ và tóm được một chú rệp no tròn, vứt xuống nền gạch.  Thế là suốt ngày hôm ấy, chị ta cứ phải đưa tay lên xuống như một con thoi… Và, cho đến chiều tối, chị mới kinh hoàng chạy ra khỏi ngôi ngà đầy nhung nhúc những rệp.

Truyện cổ Thụy Sĩ

Bạn thân mến!

Hèn chi mà trong các kinh, đức đạo sư thường khuyên chúng ta nên bố thí một cách Ba La Mật, nghĩa là làm một cách hồn nhiên vô tư như chị thợ dệt trên đây vậy.

DY Theo KT

« Quay lại

BÌNH LUẬN




© Copyright 2020 Tintuc.OHO.vn, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Tintuc.OHO.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức sự kiện và truyền thông Việt Nam