Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 30/07/2016, 06:04 pm |

Tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc.


Thực ra, nghệ thuật để có hạnh phúc chính là nghệ thuật chấp nhận khổ đau. Khi chúng ta học cách nhận biết, chấp nhận, và hiểu được sự đau khổ, chúng ta sẽ ít đau khổ hơn nhiều. Không chỉ có vậy, chúng ta còn có thể đi xa hơn: chuyển hóa khổ đau thành sự hiểu biết, lòng từ bi, và niềm vui cho chính mình và cho người khác.


http://phatgiaonamdinh.vn/upload/8008/20150820/grab1440057014thien_1.jpg


Một trong những điều khó chấp nhận nhất đối với chúng ta là: không có vùng đất nào chỉ toàn hạnh phúc không có khổ đau. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải tuyệt vọng. Đau khổ có thể được biến đổi. Ngay khi chúng ta nói từ "đau khổ", chúng ta biết rằng trạng thái ngược lại của đau khổ cũng hiện diện. Ở đâu có đau khổ, ở đó có hạnh phúc.

Theo những câu chuyện sáng tạo trong Kinh Thánh Sáng Thế Ký, Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng." Tôi muốn tưởng tượng ra ánh sáng trả lời rằng: "Chúa ơi, tôi phải chờ đợi cho anh trai sinh đôi của tôi là bóng tối, cùng xuất hiện. Tôi không thể là ánh sáng mà không cần bóng tối. "Thiên Chúa hỏi:" Tại sao phải chờ đợi? Bóng tối đã sẵn có rồi. Và ánh sáng trả lời: "vậy thì tôi cũng đã có rồi, cùng với bóng tối."

Nếu chúng ta tập trung hoàn toàn vào việc theo đuổi hạnh phúc, chúng ta có thể xem đau khổ như là một thứ đáng vứt đi. Chúng ta nghĩ về nó như một thứ chen ngang phá hỏng hạnh phúc của chúng ta. Nhưng nghệ thuật của hạnh phúc chính là nghệ thuật biết cách chịu đựng đau khổ. Nếu chúng ta biết cách điều khiển đau khổ, chúng ta có thể biến đổi nó và sẽ ít đau khổ hơn nhiều. Biết cách chịu đựng nỗi đau rất cần thiết cho việc nhận ra hạnh phúc thật sự.

Phương thuốc chữa lành

Điều phiền não chính của nền văn minh hiện đại là chúng ta không biết làm thế nào để giải quyết nỗi đau khổ trong lòng và chúng ta cố gắng che đậy nó bằng việc tiêu dùng. Các nhà bán lẻ rao bán hàng đống các thứ giúp chúng ta che lấp nỗi đau trong lòng. Nhưng chỉ đến khi chúng ta có thể đối mặt với đau khổ của chính mình, thì chúng ta mới có thể hiện diện và sẵn sàng cho cuộc sống. Còn không, hạnh phúc sẽ tiếp tục trốn tránh chúng ta.


http://vuonhoaphatgiao.com/uploads/noidung/images/tin_tuc/trai-he-da-lieu-ngay-2%20(3).jpg



Có rất nhiều người có những nỗi đau rất lớn và họ không biết làm thế nào để vượt qua. Có nhiều người nếm trải đau khổ khi tuổi đời còn rất trẻ. Vậy tại sao trường học không dạy những người trẻ cách kiểm soát đau khổ? Nếu một học sinh cảm thấy bất hạnh, em không thể tập trung và không thể học. Sự đau khổ của một người sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Càng hiểu về nghệ thuật xử lý đau khổ, thế giới sẽ càng ít đau khổ.

Chánh niệm là cách tốt nhất để đối diện với đau khổ mà không bị nó vùi lấp trong đó. Chánh niệm là sống trong giây phút hiện tại, để biết những gì đang xảy ra ngay ở đây và bây giờ. Ví dụ, khi ta nâng hai cánh tay lên, chúng ta ý thức rằng chúng ta đang nâng cánh tay lên. Tâm trí của chúng ta đang nghĩ về việc nâng cánh tay. Chúng ta không nghĩ về quá khứ hay tương lai, vì việc nâng cánh tay lên là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Ý thức có nghĩa là nhận biết, biết những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nâng cánh tay lên và chúng ta ý thức rõ điều gì đang xảy ra - đó là chánh niệm, chánh niệm về hành động của mình. Khi hít vào và ý thức rõ chúng ta đang hít vào, đó là chánh niệm. Khi bước một bước và chúng ta biết rõ rằng đang bước đi, chúng ta đang chánh niệm, quán sát các bước chân. Khi chánh niệm thì phải luôn luôn chánh niệm về một vật, một đối tượng nào đó. Đó là năng lực giúp chúng ta biết nhận thức được những gì đang xảy ra ngay bây giờ và tại đây, trong chính cơ thể, cảm xúc, cảm nhận của chúng ta, và xung quanh chúng ta.

Với sự chánh niệm như vậy, bạn có thể nhận ra sự hiện diện của đau khổ trong lòng bạn và trên thế giới. Và cũng với năng lực đó, bạn nhẹ nhàng chấp nhận đau khổ. Bằng cách quán sát từng hơi thở, bạn tạo ra năng lượng chánh niệm, vì vậy bạn có thể tiếp tục vỗ về sự đau khổ. Các thiền sinh của chánh niệm có thể giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong việc nhận ra, vỗ về và chuyển hoá khổ đau. Với chánh niệm, chúng ta không còn sợ đau khổ. Chúng ta thậm chí có thể đi xa hơn nữa, sử dụng khổ đau để tạo sự thông hiểu và lòng từ bi, chữa lành vết thương lòng cho chính mình cũng như chữa lành và giúp người khác hạnh phúc.

Cuối cùng, chúng ta cần nuôi dưỡng hạnh phúc hàng ngày, với sự nhận biết, sự thấu hiểu và lòng từ bi cho bản thân và cho những người quanh ta. Chúng ta thực hành các bước này, hướng dẫn cho những người thân yêu, và cho cộng đồng lớn hơn cùng thực hành. Đây là nghệ thuật của khổ đau và cũng là nghệ thuật của hạnh phúc. Với mỗi hơi thở, chúng ta xóa đi khổ đau và tạo ra niềm vui. Với mỗi bước đi, trí huệ sẽ nở hoa.

Thích Nhất Hạnh
« Quay lại

BÌNH LUẬN




© Copyright 2020 Tintuc.OHO.vn, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Tintuc.OHO.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức sự kiện và truyền thông Việt Nam