Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 27/08/2016, 09:06 pm |

Đi chùa ...nhưng tránh những hành động làm động tâm người tu .


Nói về trang phục của người phật tử trong sinh hoạt tôn giáo, khi đến chùa, khi gặp gỡ tiếp kiến chư Tăng, đức Phật không có một quy chế nào về trang phục của các cư sĩ. Nhưng hãy thử hình dung cách quan niệm về trang phục của những vị thánh cư sĩ thời đức Phật khi họ đến chùa, từ đó suy ra được nguyên tắc căn bản về trang phục của phật tử trong sinh hoạt tôn giáo.



http://dulichdailoan.vn/uploads/images/Th%E1%BA%AFng%20c%E1%BA%A3nh%20n%E1%BB%95i%20ti%E1%BA%BFng/phat%20quang%20son%203333333333.jpg



Như thời đức Phật còn tại thể, bà Visakha sửa soạn đến chùa lễ Phật và nghe pháp, bà đang mặc trang phục với chiếc áo choàng nạm ngọc quý giá, sang trọng cực kỳ. Nhưng đến cổng chùa, bà chợt nghĩ: “Trước mặt đức Thế Tôn mà ta trang phục rực rỡ như thế này thật không thích nghi”. Nghĩ vậy, bà cởi chiếc áo choàng quý giá và gói lại giao cho người nữ tỳ cầm giữ rồi mới vào chùa đảnh lễ đức Phật và nghe pháp.

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy khi đức Phật còn tại thế mỗi người phật tử đều rất thận trọng trong lời ăn, tiếng nói cũng như về trang phục khi đến diện kiến Người. Còn thời đại ngày nay, vấn đề trang phục với mỗi nữ cư sĩ luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Có câu nói: “Nhìn trang phục biết tư cách”. Trang phục tuy chỉ là hình thức bên ngoài nhưng nó lại phản ảnh một phần trong con người chúng ta . Bởi vậy, chúng ta nên chú ý cách ăn mặc của mình sao cho phù hợp với cương vị người tu hiền, giữ được phẩm chất đạo đức, không gây trở ngại cho việc tu tập. 

Là phật tử nữ:

1. Không nên ăn mặc phóng túng:

Trước hểt, ăn mặc phóng túng có thể dễ dàng khơi dậy những tư tưởng xấu, tà niệm và dẫn đến hành vi cư xử tà dâm. Vì vậy, các bạn nữ khi mặc y phục nên chú ý:

- Tránh mặc quần áo có màu sắc sặc sỡ, lòa loẹt. Không nên mặc quần ngắn, váy ngắn hay những đồ bó sát làm lộ thân thể.

- Không nên mặc áo hở ngực, hở lưng và rốn. Nếu mặc quần áo như vậy đi chùa cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tạo nghiệp.

- Không nên mặc quần áo trong suốt. Ví như có thể nhìn xuyên qua áo ngoài mà thấy màu sắc của áo bên trong, thậm chí đường viền của áo trong. Và cũng tương tự như vậy với quần. Những điều này đều rất không tốt.

Đặc biệt, về đồ tu mặc khi đi chùa của Phật tử nữ hiện nay có rất nhiều điều cần góp ý. Trang phục để đi chùa nhưng lại quá bó, quá ngắn và khoét quá sâu là điều khiến tôi trăn trở rất nhiều. Dẫu biết là con gái ai cũng muốn hướng tới cái đẹp nhưng việc khoe triệt để đường cong cơ thể như vậy thật sự là điều không nên. 

Trong cuộc sống thường nhật, bạn có thể mặc thoải mái thế nào cũng được nhưng khi đã đặt chân vào cửa chùa, khoác lên mình bộ trang phục liên quan đến một tôn giáo thì thiết nghĩ cái đẹp cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp với cộng đồng những người tu đạo. Việc ăn mặc quá lố, bất xứng với tư cách đạo đức, hạnh kiểm của một Phật tử sẽ khiến người khác cười chê và đánh giá thấp đạo đức của bạn.

Người cư sĩ, hễ khoác lên mình bộ đồ tu thì phải ý thức được rằng mình là một hành giả tu Phật, đang đại diện cho một tôn giáo đề cao chánh giới, sự nhu hòa, nhẫn nhục và giải thoát. Do đó, trang phục không thích hợp sẽ khiến bạn tổn hại tới phẩm hạnh. Việc này không những không có ích lợi cho bạn mà còn vô tình gây ra tội lỗi cho người xuất gia.

2. Đừng nên xức nước hoa: 

Động vật vì để thu hút bạn đời nên mới phát mùi. Vậy bạn dùng nước hoa để làm gì?

Khi làm việc ở ngoài xã hội, các bạn có thể xịt nước hoa để khiến bản thân tự tin cũng như tạo ấn tượng với đối phương khi giao tiếp. Nhưng khi đi chùa, theo như chia sẻ của các vị sư ni tôi từng được gặp thì tốt nhất bạn không nên dùng nước hoa. Vì trong một không gian hẹp như đền chùa, thường hay thắp hương thì việc bạn sử dụng các mùi hương quá mạnh sẽ khiến người xung quanh động tâm cũng như tạo cảm giác không thoải mái về mặt khứu giác. 

“Hữu xạ tự nhiên hương”

Khi bạn giữ cho thân tâm luôn thanh tịnh thì tự thân bạn sẽ tỏa ra hương thơm chứ không cần phủ lên mình những thứ hương nhân tạo.

3. Không nên đi gần hay sát cạnh các nhà sư:

Tuyệt đối đừng nên chạm vào thân thể hay bàn tay của nhà sư. Ngay cả với những vị sư già và rất quen thuộc hay các vị sư cùng giới đều tuyệt đối không nên. Đừng tạo thêm nghiệp, đừng tự biến mình thành minh chứng xấu. 

4. Tuyệt đối không được ở chung phòng đơn độc với người xuất gia:

Nhất là với cửa ra vào và cửa sổ đóng kín. Đặc biệt kỵ nhất là ở am sư, đó không phải là nơi mà phụ nữ có thể vào.

5. Không nên chụp ảnh chung cùng người xuất gia tu hành:

Việc chụp ảnh chung với các vị tu hành một cách tùy tiện và thoải mái sẽ tạo nên hình ảnh không tốt cho bản thân bạn và các thầy. Ngay cả khi chụp ảnh để thể hiện mối quan hệ giữa mình và nhà sư thì đều không nên.

Ba điều trên chúng ta cần thật sự lưu ý vì các bạn nữ hiện nay có lối sống khá thoải mái và ưa thích tự do nên đôi khi có những suy nghĩ cũng như hành động không phù hợp với một người Phật tử. Việc các bạn thể hiện sự quý trọng với một vị sư thầy, sư ni không sai nhưng nếu như bạn thật sự tôn trọng những người tu hành thì hãy cố gắng tìm hiểu và học tập tu luyện Phật pháp, đó mới là điều căn bản. 

Còn việc chụp ảnh hay có những hành động thân thiết cũng như lời nói bông đùa thật sự là điều nên tránh. Tôi đã thấy rất nhiều bạn nữ có những cử chỉ quá thân thiết với các vị sư trẻ và mọi người xung quanh đã có ánh mắt thiếu tôn trọng tới họ. 

Nhiều nhóm bạn nữ còn túm năm tụm ba với nhau rồi cười khúc khích, khen: “Thầy kia đẹp trai thế, đi tu làm gì cho uổng”. Những lời nói và hành động ấy có thể làm ảnh hưởng tới cuộc sống của các bạn mà các bạn không hay biết.

Ngày nay mạng xã hội ngày càng phát triển và mỗi người đều dùng nó với một mục đích khác nhau. Cũng có vài trường hợp các sư thầy, sư ni cũng sử dụng mạng xã hội để hoằng pháp độ sinh. Tuy vậy, đã xảy nhiều tình huống có nhiều bạn nữ buông những lời trêu ghẹo, khiếm nhã trên các trang mạng xã hội làm ảnh hưởng rất lớn đến phẩm hạnh của các thầy.

Đó là chưa kể đến việc thời nay còn có nhiều giới tính khác nhau nên việc có những cử chỉ thân mật với các sư cùng giới hay khác giới cũng có thể tạo ra những hậu quả khó lường.

Miệng lưỡi thế gian vốn dĩ rất nguy hiểm nên các bạn hãy thận trọng đừng để bản thân gặp rắc rối với những sự việc không đáng có.

6. Đừng nói những điều vô nghĩa và chuyện phiếm:

Hoặc nói chuyện đùa tếu với các sư. Đừng nên tạo nghiệp, đừng hại họ và cũng đừng tự hại mình.

Vậy những lời nói như thế nào được gọi là “vô nghĩa”? 

Khi bạn kể một câu chuyện cười, người nghe ở đây là bậc tu hành. Với cả hai thì câu chuyện ấy cũng không giúp ích gì cả. Ngay cả với chính bạn, cũng như mục đích giải thoát nhân sinh của người tu hành đều không hề có ích. Ý nói “vô nghĩa” ở đây chính là như vậy.

Tuy vậy, bạn vẫn có thể xin ý kiến từ các thầy về những vấn đề liên quan đến đạo pháp cũng như cuộc sống nhưng cách đặt câu hỏi, thưa chuyện cũng như tác phong khi giao tiếp cũng cần cẩn trọng. Đừng nên quá thân mật và suồng xã như khi nói chuyện với bạn bè hoặc người thân.

7. Không nên nói chuyện, cười đùa trong đền chùa:

Tôi đã từng bắt gặp rất nhiều bạn nữ cười đùa lớn tiếng trong chùa. Điều đấy thực sự là không nên chút nào. Bởi việc nói cười quá tự do sẽ làm mất đi sự trang nghiêm của chốn thờ tự. 

8. Khi người xuất gia có biểu hiện tình cảm đối với bạn, bạn cần lập tức kiểm tra lại mình và rời đi ngay lập tức:

Người xuất gia dẫu sao vẫn là con người, vẫn còn những tham, sân, si. Các thầy chỉ khác chúng ta ở chỗ đã dẹp trừ được nó nhiều hay ít mà thôi. Quan ải lớn nhất đối với mỗi người xuất gia chính là quan ải sắc tình. Thế nên chúng ta đừng bao giờ làm phiền tâm cầu đạo của các thầy.

“Ninh giáo thiên giang thủy, phi nhiễu đạo nhân tâm”

Thà rằng khuấy động nước nghìn sông, còn hơn quấy nhiễu tâm người tu đạo.

Là một người Phật tử, chúng ta cần phải ý thức hơn ai hết tầm quan trọng của việc xuất gia cầu đạo của các vị chân tu. Bởi xuất gia đồng nghĩa với việc đi ngược dòng đời. 

Đây là một việc làm vô cùng khó khăn và có ý nghĩa thiêng liêng, to lớn . Bởi vậy, chúng ta cần hộ pháp để giúp các thầy trên con đường ấy chứ không phải làm tâm các thầy bị xao động với những việc trần tục. 

Tuy vẫn còn một bộ phận nhỏ các sư chưa giữ được giới một cách liêm mật và đôi khi làm ảnh hưởng tới các cư sĩ. Nhưng dẫu sao các thầy khi xuất gia, đã nằm trong sự quản lý của Tăng đoàn. Nên việc các thầy phạm lỗi sẽ do tăng đoàn xử lý theo kinh luận của nhà Phật.

“Không được nói lỗi các thầy” vẫn luôn là quan niệm sống của tôi. Tôi chỉ góp ý và chỉ ra lỗi sai cho những ai là cư sĩ như tôi để chúng ta có thể hoàn thiện bản thân, nương vào nhau và cùng trở thành những người con Phật đúng nghĩa nhất.

Trên đây là những lời khuyên chân thành của tôi tới các bạn nữ, những người con Phật đã may mắn được gặp ánh đạo pháp từ rất sớm.

Tôi hi vọng bạn và tôi - chúng ta sẽ trở thành thế hệ nối kết giữa đạo và đời, để giúp cho cuộc sống tràn đầy hương sắc của trí tuệ và từ bi. Đi chùa không có nghĩa là bạn phải ăn mặc quê mùa hay vứt bỏ đi lòng tự tôn của bản thân mình.

Khi bạn là một người Phật tử giản dị, trang nghiêm và thanh tịnh, điều đó sẽ giúp bạn có được sự tôn trọng từ những người xung quanh. Mọi người lúc này sẽ nhìn vào phẩm hạnh chứ không phải là bộ đồ tu bó sát cơ thể của bạn. 

Trong Phật giáo, không có pháp phục nào cao quý bằng Chánh định, không có đồ trang sức nào đẹp và không có thứ nước hoa nào thơm bằng việc trì giới. Nên, dù là người xuất gia hay tại gia cũng đều nên tâm niệm:

“Hằng dụng giời hương đồ vinh thể
Thường trì định phục dĩ tư thân
Bồ Đề diệu hoa biến trang nghiêm
Tùy sở trí xứ thường an lạc”
Dịch:
“Lấy giới làm hương phấn để thoa thân
Dùng định làm áo mặc hàng ngày
Đem hoa báu Bồ Đề mà trang nghiêm khắp cả
Thì dù ở đâu cũng cảm thấy an lạc.”

Nguyễn Linh Chi

« Quay lại

BÌNH LUẬN




© Copyright 2020 Tintuc.OHO.vn, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Tintuc.OHO.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức sự kiện và truyền thông Việt Nam