Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 18/02/2020, 11:12 am |

Thế giới “nín thở” khi hàng nghìn người trên các “du thuyền corona” về nước


Hơn 3.000 hành khách trên hai du thuyền có người nhiễm virus corona đang tỏa ra hơn 40 quốc gia và gieo rắc nỗi sợ hãi về nguy cơ lây lan bệnh dịch chết người.



Du thuyền Diamond Princess neo đậu tại cảng Yokohama, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo)

Mỹ ngày 17/2 thông báo bắt đầu sơ tán công dân khỏi du thuyền Diamond Princess ở ngoài khơi Yokohama, Nhật Bản. Đã có 70 hành khách được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) trên du thuyền này vào cuối tuần qua.


Canada, Hong Kong và các nước khác cũng lên kế hoạch tương tự nhằm sơ tán hàng trăm công dân.


Ngày 15/2, một công dân Mỹ 83 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus COVID-19 tại Malaysia, một ngày sau khi người phụ nữ này cùng hơn 2.200 người khác được rời khỏi du thuyền Westerdam ở Campuchia. Trước đó, Westerdam đã cập cảng Campuchia sau khi bị 5 nơi khác từ chối vì lo sợ nguy cơ lây lan dịch corona.


“Người phụ nữ này đã ở trên tàu và bị nhiễm virus trong vài ngày. Bà ấy có thể đã lây bệnh cho những người khác trên tàu và những người này bây giờ đã về nước”, Stanley Deresinski, giáo sư tại Đại học Stanford và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện ở đại học này, cho biết.


“Có một khả năng xảy ra là, bất kỳ ai bị nhiễm virus và ủ bệnh cũng có thể khởi đầu một chuỗi lây nhiễm ở bất kỳ nơi nào họ quay trở về”, giáo sư Deresinski cho biết thêm.


Con số đáng báo động về những hành khách bị nhiễm virus corona trên du thuyền Diamond Princess, chiếm tỷ lệ lớn nhất về số ca nhiễm virus bên ngoài Trung Quốc, và trường hợp mới bị phát hiện nhiễm virus trên du thuyền Westerdam đã đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả của việc kiểm soát virus trên các du thuyền.


Mối lo ngại này đã khiến ngày càng nhiều nước châu Á ngăn không cho các tàu hạng sang nhập cảng, từ đó đe dọa tới doanh thu của các công ty vận hành du thuyền như Carnival hay Royal Caribbean Cruises.


“Các du thuyền có nguy cơ lây bệnh rất cao”, giáo sư Jean-Paul Rodrigue tại Đại học Hofstra ở New York, nhận định.


“Mọi người di chuyển qua lại, sử dụng chung hành lang, chạm vào cùng tay nắm và lan can, nên rất dễ nhiễm dịch”, giáo sư Rodrigue cho biết.


Du thuyền Westerdam từng mất 2 tuần lênh đênh trên biển trước khi được Campuchia đồng ý cho cập cảng hôm 13/2. Các hành khách được phép rời khỏi tàu ngay ngày hôm sau mà không bị cách ly. Khi đó, người phụ nữ Mỹ đã di chuyển tới Kuala Lumpur, Malaysia để đáp chuyến bay về nước. Nhưng không may, bà đã bị phát hiện nhiễm virus corona.


Malaysia sau đó thông báo sẽ không cho phép bất kỳ hành khách nào trên du thuyền Westerdam quá cảnh qua nước này. Quyết định của Malaysia dẫn tới việc 3 chuyến bay đưa hành khách từ Campuchia đã bị hủy.



Hành khách vui mừng khi được rời khỏi tàu Westerdam tại Campuchia. (Ảnh: AP)

Các chuyên gia y tế cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về trường hợp của du thuyền Westerdam sau khi 1.454 hành khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu được phép rời đi mà không bị cách ly, đúng vào thời điểm tổng số ca tử vong do dịch corona trên toàn thế giới đã lên tới hơn 1.700 người.


Hầu hết các quốc gia đang lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản cũng đều thông báo kế hoạch cách ly những người này sau khi họ được đưa về nước.


Theo giáo sư Deresinski và các chuyên gia y tế khác, các hành khách trên du thuyền Westerdam ít nhất cũng phải được giới chức y tế địa phương theo dõi và họ cũng phải tự cách ly. Thậm chí, giới chức y tế các nước cũng cần cân nhắc phương án xét nghiệm những hành khách trở về từ tàu này.


“Không cần phải tiếp xúc lâu mới bị nhiễm bệnh”, giáo sư Deresinski cho biết.


Thời gian ủ bệnh của virus corona khoảng hai tuần, gần bằng tổng quãng thời gian du thuyền Westerdam di chuyển trên biển sau khi rời Hong Kong hôm 1/2 và trở thành con tàu không được chào đón.


Việc biết rõ khi nào công dân Mỹ bị nhiễm virus corona trên tàu Westerdam và lây nhiễm từ ai là chìa khóa để xác định nguy cơ những người khác cũng bị nhiễm virus này.


“Tôi chưa có đủ thông tin về bệnh nhân để biết liệu có khả năng họ đã bị nhiễm trước khi lên tàu và có thời gian ủ bệnh kéo dài hay không. Có khả năng họ đã bị nhiễm virus trên tàu, điều này cho thấy ít nhất sẽ có một trường hợp khác trên tàu bị nhiễm, chẳng hạn người đã lây nhiễm cho họ”, Ben Cowling, giáo sư về bệnh dịch tại Đại học Hong Kong, cho biết.


Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này chưa có đủ bằng chứng để xác định người phụ nữ trên tàu Westerdam bị nhiễm khi nào hay ở đâu.


Người phụ nữ này được tự do rời khỏi Campuchia sau khi điền vào phiếu câu hỏi về sức khỏe và trải qua quá trình kiểm tra thân nhiệt. Sau khi bà cùng 144 hành khách trên tàu Westerdam đặt chân tới Malaysia để quá cảnh sang chuyến bay khác, người phụ nữ này bị sốt, ho và thấy khó thở. Người chồng 85 tuổi của bà có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona cùng 6 hành khách khác. Tất cả đều bị cách ly.


Biện pháp cách ly nghiêm ngặt được áp dụng với du thuyền Diamond Princess cũng không làm giảm số ca nhiễm virus trong khi con tàu vẫn đang được giữ tại Nhật Bản. 355 người được xác nhận nhiễm virus trên tàu, trong khi cả Nhật Bản, đất nước với hơn 125 triệu dân, mới chỉ có 59 ca nhiễm.


Các hành khách là công dân Mỹ sẽ bị cách ly thêm 14 ngày sau khi được sơ tán. Những hành khách trên tàu Diamond Princess có triệu chứng nhiễm bệnh sẽ phải ở Nhật Bản cách ly tiếp, còn bất kỳ ai chưa lên máy bay về nước ít nhất sẽ phải đợi tới ngày 4/3 mới được rời đi.


Trong khi đó, hơn 600 người Mỹ trên du thuyền Westerdam đang trên đường về nhà. Đây cũng là nhóm đông nhất xếp theo quốc tịch. Khoảng 233 hành khách và 747 thủy thủ đoàn vẫn ở trên tàu tại Sihanoukville, Campuchia.


Ông V. Padmanabha Rao, 81 tuổi và cháu trai 20 tuổi vẫn đang chờ thông tin về việc khi nào họ có thể rời tàu Westerdam. Thuyền trưởng chiều ngày 16/2 thông báo rằng, các hành khách còn lại trên tàu có thể sẽ phải chờ tiếp vì chính quyền Campuchia có kế hoạch kiểm tra sức khỏe bổ sung.


Ông Rao và các hành khách còn lại trên tàu Westerdam đang bàn tán về việc các hành khách được sơ tán khỏi tàu Diamond Princess. Họ hy vọng chính phủ của họ cũng sẽ có kế hoạch sơ tán tương tự với những người còn đang ở Campuchia.


Ông Rao, bác sĩ phẫu thuật đã nghỉ hưu, và cháu trai dự định sẽ tự cách ly tình nguyện tại nhà 14 ngày sau khi về nước.


“Tôi không muốn gây nguy hiểm cho hàng xóm, gia đình và bạn bè của tôi. Có lẽ mọi người trên tàu nên cách ly. Đó là cách an toàn duy nhất để ngăn dịch không bùng phát ở quê nhà”, ông Rao cho biết.


Viết bài: Thành Đạt Dantri.vn

Theo: SCMP



« Quay lại

BÌNH LUẬN




© Copyright 2020 Tintuc.OHO.vn, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Tintuc.OHO.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức sự kiện và truyền thông Việt Nam