Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 22/02/2021, 11:38 am |

Xem những báu vật chưa được trưng bày của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM qua mạng


Chương trình 'Kho mở trực tuyến' của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sẽ mở cửa online giới thiệu lần lượt các bộ sưu tập cổ vật quý hiếm đang để tại kho của bảo tàng nhưng lâu nay chưa có dịp trưng bày. #BảotànglịchsửTPHCM #Cổvật #Nhàsưutậpcổvật #VictorThomasHolbé_1857_1927



Trang bìa Kho mở trực tuyến kỳ 1 của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - Ảnh: BTLS TP.HCM


Ý tưởng Kho mở trực tuyến được bắt đầu vào tháng 2 năm nay, nhằm một mặt khai thác những bộ sưu tập cổ vật có giá trị đang lưu giữ tại kho của bảo tàng nhưng vì thiếu điều kiện nên chưa thể đem ra trưng bày toàn bộ phục vụ công chúng, một mặt cũng tạo thêm nội dung đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn cổ vật và tham quan bảo tàng của công chúng dù chỉ bằng hình thức online do tình hình dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp.


Như vậy, công chúng thay vì đến bảo tàng có thể truy cập vào địa chỉ của Kho mở trực tuyến để xem các hình ảnh cổ vật được giới thiệu kèm thông tin thuyết minh cụ thể về lai lịch bộ sưu tập, chủ sở hữu ban đầu kèm các nội dung về giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của các hiện vật...


Theo TS Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, việc tổ chức Kho mở trực tuyến phục vụ công chúng rộng rãi là bước thử nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ vào việc quản lý, khai thác thông tin trong kho cơ sở như một yêu cầu tất yếu khách quan của các bảo tàng hiện nay.


"Vì trong thực tế có nhiều bộ sưu tập có giá trị đang lưu giữ tại kho bảo tàng nhưng chưa có kế hoạch trưng bày cụ thể, thông qua hình thức Kho mở trực tuyến, chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến từ phía công chúng, để có hướng tổ chức tốt hơn cho việc khai thác các bộ sưu tập này", ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.


Hiện tại, bảo tàng vừa mở cửa kho giới thiệu kỳ 1 là bộ sưu tập cổ vật của Victor Thomas Holbé (1857 - 1927). Đây là bộ sưu tập danh giá đang lưu giữ tại kho của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.


Victor Thomas Holbé là một dược sĩ phục vụ trong Hải quân Pháp, phó chủ tịch Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ. Ông còn là nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật nổi tiếng được người đương thời kính trọng.


Sau khi Holbé qua đời, Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) đã vận động quyên góp tiền mua lại bộ sưu tập của ông với giá 45.000 đồng Đông Dương.


Sưu tập Holbé gồm 2.160 hiện vật thuộc các nền văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia… được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Bộ sưu tập Holbé cùng với những hiện vật sẵn có của Hội chính là cơ sở để thành lập Bảo tàng Blanchard de la Brosse năm 1929 (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM).


Khi khánh thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse vào ngày 1-1-1929, bộ sưu tập Holbé đã được trưng bày ở đại sảnh phục vụ khách tham quan, một số hiện vật đã được trưng bày ở Pháp tại các địa điểm nổi tiếng như Paris, tháp Eiffel, Buffalo Bill.


Đây là một trong những bộ sưu tập hiện vật quý hiếm có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật được Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tiếp tục phát huy giá trị bằng việc đưa ra giới thiệu tại các phòng trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động ở một số bảo tàng tỉnh khu vực Nam Bộ.


Kho mở kỳ này sẽ giới thiệu bộ sưu tập của Holbé gồm 4 nhóm hiện vật theo chất liệu và xuất xứ:


Nhóm hiện vật chất liệu ngà, xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản gồm: ấn "khánh ninh chi ấn" (núm cầm hình tam sơn) - cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dấu triện chữ thọ, "Bính Thân niên tạo" - năm 1896, dấu triện chữ thọ, "Đinh Tỵ niên tạo" - năm 1857, ống cắm, "Minh Mạng niên tạo" (1820-1840)...


Nhóm hiện vật chất liệu đá ngọc Trung Quốc thế kỷ 18-19: vật trang trí hình đĩa (chạm rồng và nhũ đinh), chén (chạm lộng cành hoa), chén (chạm rồng và nhũ đinh), chén (hình lá sen)...


Nhóm tượng thờ: tượng Thích Ca - thế kỷ 19, tượng Maha Kaccayana (Tán-đà Ca-chiên-diên) - thế kỷ 19, tượng Phật Dược Sư - thế kỷ 19 có xuất xứ Tây Tạng, khám thờ Hộ pháp - thế kỷ 19, khám thờ Long vương - thế kỷ 19...


Nhóm hiện vật chất liệu gốm, xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc: đĩa (in chìm em bé ẩn trong hoa lá) - thế kỷ 12-13, bình vôi - thế kỷ 19, bát (in chìm hoa lá) - thế kỷ 12-13, hũ vẽ màu - cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20...



Một số hình ảnh hiện vật tại Kho mở trực tuyến kỳ này - Ảnh: BTLS TP.HCM:



NHÓM HIỆN VẬT CHẤT LIỆU NGÀ, XUẤT XỨ TỪ VIỆT NAM, TRUNG QUỐC, NHẬT BẢN



Các hiện vật ấn triện bằng ngà trong bộ sưu tập của Thomas Holbé - Ảnh: BTLS TP.HCM


1. ẤN “KHÁNH NINH CHI ẤN” (Núm cầm hình tam sơn) - Cuối thế kỷ 19 – Đầu thế kỷ 20
  - Số đăng ký: BTLS.1255
  - Xuất xứ: Việt Nam
  - Kích thước (cm): Cao: 5, Đường kính: 6.5


2. DẤU TRIỆN CHỮ THỌ, “BÍNH THÂN NIÊN TẠO” – NĂM 1896
  - Số đăng ký: BTLS.1257
  - Xuất xứ: Việt Nam
  - Kích thước (cm): Cao: 2.6, Mặt ấn: 2 x 2.2


3. DẤU TRIỆN CHỮ THỌ, “ĐINH TỴ NIÊN TẠO” – NĂM 1857
  - Số đăng ký: BTLS.1251
  - Xuất xứ: Việt Nam
  - Kích thước (cm): Cao: 3.8, Mặt ấn: 4.5 x 5



Nhóm hiện vật ống cắm trong đó cái số 3 có thông tin “Minh Mạng niên tạo” (1820 - 1840)


1. ỐNG CẮM-  Số đăng ký: BTLS.2626- Xuất xứ: Việt Nam

- Kích thước (cm) Cao: 11, Đường kính: 7.5


2. ỐNG CẮM- Số đăng ký: BTLS.2625- Xuất xứ: Việt Nam

- Kích thước (cm) Cao: 9; Đường kính: 6


3. ỐNG CẮM, “MINH MẠNG NIÊN TẠO” (1820 – 1840)

- Số đăng ký: BTLS.2603- Xuất xứ: Việt Nam- Kích thước (cm) Cao: 14, Đường kính: 3.6



NHÓM HIỆN VẬT CHẤT LIỆU ĐÁ NGỌC TRUNG QUỐC THẾ KỶ 18-19



Vật trang trí hình đĩa (chạm rồng và nhũ đinh) chất liệu đá ngọc của Trung Quốc niên đại thế kỷ 18-19


VẬT TRANG TRÍ HÌNH ĐĨA (Chạm rồng và nhũ đinh)

- Số đăng ký: BTLS.988- Kích thước (cm) Đường kính: 12.5; Dày: 1.0



Chén chạm lộng cành hoa, lá sen, hình rồng và nhũ đinh chất liệu đá ngọc của Trung Quốc niên đại thế kỷ 18-19


1. CHÉN (Chạm lộng cành hoa) - Số đăng ký: BTLS.933- Kích thước (cm) Cao: 5, Ngang: 12

2. CHÉN (Chạm rồng và nhũ đinh)- Số đăng ký: BTLS.946- Kích thước (cm) Cao: 4.5, Dài 14.5, Ngang: 6

3. CHÉN (Hình lá sen)- Số đăng ký: BTLS.942- Kích thước (cm) Cao: 3, Dài 14, Ngang: 7



NHÓM TƯỢNG THỜ



Tượng Phật thế kỷ 19


1. TƯỢNG THÍCH CA, THẾ KỶ 19
  - Số đăng ký: BTLS.2539
  - Chất liệu: Đồng phủ sơn
  - Xuất xứ: Phong cách nghệ thuật Phật giáo Thái-Miến Điện
  - Kích thước (cm) Cao: 10, Ngang: 7


2. TƯỢNG THÍCH CA, THẾ KỶ 19
  - Số đăng ký: BTLS.2549
  - Chất liệu: Đồng phủ sơn
  - Xuất xứ: Phong cách nghệ thuật Phật giáo Thái-Miến Điện
  - Kích thước (cm) Cao: 12, Ngang: 7,5


3. TƯỢNG MAHA KACCAYANA (Tán-đà Ca-chiên-diên), THẾ KỶ 19
  - Số đăng ký: BTLS.645
  - Chất liệu: Đồng phủ sơn
  - Xuất xứ: Phong cách nghệ thuật Phật giáo Thái-Miến Điện
  - Kích thước (cm) Cao: 12.5, Ngang: 11.5



Tượng Phật Dược Sư - thế kỷ 19 có xuất xứ Tây Tạng niên đại thế kỷ 19


TƯỢNG PHẬT DƯỢC SƯ, THẾ KỶ 19


  - Số đăng ký: BTLS.627
  - Chất liệu: Đồng phủ sơn
  - Xuất xứ: Tây Tạng
  - Kích thước (cm) Cao: 24.5, Ngang: 16



Khám thờ Hộ pháp phong cách Nhật Bản niên đại thế kỷ 19


 1. KHÁM THỜ HỘ PHÁP, THẾ KỶ 19
  - Số đăng ký: BTLS.4067
  - Chất liệu: Gỗ phủ sơn
  - Xuất xứ: Nhật Bản
  - Kích thước (cm) Cao: 17, Ngang: 9

2. KHÁM THỜ LONG VƯƠNG, THẾ KỶ 19
  - Số đăng ký: BTLS.4070
  - Chất liệu: Gỗ phủ sơn
  - Xuất xứ: Nhật Bản
  - Kích thước (cm) Cao: 30, Ngang: 28



NHÓM HIỆN VẬT CHẤT LIỆU GỐM, XUẤT XỨ VIỆT NAM, TRUNG QUỐC



Nhóm hiện vật dĩa, bình vôi và bát bằng gốm niên đại thế kỷ 12, 13, 17


1. ĐĨA (in chìm em bé ẩn trong hoa lá), THẾ KỶ 12– 13
  
- Số đăng ký: BTLS.3114
  - Chất liệu: Gốm men xanh ngọc
  - Xuất xứ: Việt Nam
  - Kích thước (cm) Cao: 3.5, đường kính: 17


2. BÌNH VÔI, THẾ KỶ 19
  - Số đăng ký: BTLS.1469
  - Chất liệu: Gốm men nhiều màu
  -  Xuất xứ: Châu Ổ - Việt Nam
  - Kích thước (cm) Cao: 8.5, đường kính: 7


3. BÁT (in chìm hoa lá), THẾ KỶ 12 – 13
 
- Số đăng ký: BTLS.3193
  - Chất liệu: Gốm men xanh ngọc
  - Xuất xứ: Việt Nam
  - Kích thước (cm) Cao: 6, đường kính: 17



Cặp hũ vẽ màu niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20


HŨ VẼ MÀU, CUỐI THẾ KỶ 19 – ĐẦU THẾ KỶ 20

  - Số đăng ký: BTLS.3452, BTLS.3453
  - Chất liệu: Gốm men nhiều màu
  - Xuất xứ: Trung Quốc
  - Kích thước (cm) Cao: 27, đường kính: 36


Nguồn hình ảnh: Bảo tàng lich sử TPHCM

Viết bài: Lam Điền

« Quay lại

BÌNH LUẬN




© Copyright 2020 Tintuc.OHO.vn, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Tintuc.OHO.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức sự kiện và truyền thông Việt Nam